Tình Trạng Ô nhiễm môi trường tại các KCN

Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN

Ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Tính đến tháng 6/2012, có khoảng 62% các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng theo đánh giá chung của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49, các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến tình trạng 75% nước thải KCN thải ra ngoài với lượng ô nhiễm cao. Điển hình là Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Tp. Hồ Chí Minh (TPHCM), Đồng Nai và Bình Dương được xem là khu vực tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các qui định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.

Bởi vậy không có gì lạ khi nhiều kênh rạch ở TPHCM hiện nay như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… đang được coi là những dòng kênh chết với màu đen ngòm và mùi hôi nồng nặc vì dòng chảy chở theo lượng nước thải khổng lồ và rác thải đủ loại từ các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều dùng các thủ đoạn tương tự nhau, xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, chẳng hạn như công ty Hào Dương, Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng tại TPHCM, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường mà gần đây nhất chính là sự kiện của công ty cổ phần Sonadezi Long Thành – Đồng Nai .

Ô nhiễm môi trường, không khí, thường chủ yếu tập trung tại các KCN cũ, do các KCN này đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ô nhiễm không khí tại các KCN chủ yếu là bụi, một số KCN có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn.
Trong khi đó tại các KCN mới, do được đầu tư công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý khí thải đồng bộ trước khi xả thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các KCN này đã được cải thiện một cách rõ rệt. Thống kê cho thấy, năm 2011 mỗi ngày các KCN nước ta thải ra khoảng 8000 tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng ba triệu tấn một năm. Tuy nhiên, lượng CTR đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, nếu như tính trung bình cả nước, năm 2005 – 2006, một ha diện tích đất cho thuê phát sinh CTR khoảng 134 tấn/năm, thì đến năm 2008 – 2009, con số này đã tăng lên 204 tấn/năm (tăng 50%). Sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các khu công nghiệp và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm.

Ưu tiên áp dụng công nghệ sạch trong công nghiệp

Trước thực trạng trên, ông Phạm Đình Đôn, Chi cục Trưởng Chi cục Môi trường Tây Nam Bộ đưa ra đề xuất: Tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển các KCN, CCN tại các tỉnh, thành phố gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL trong mối quan hệ chiến lược bền vững phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường đối với các KCN-CCN, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trước khi đưa vào hoạt động; nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư và thẩm định ĐTM của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định ĐTM theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường; tăng cường vai trò Nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, Ban quản lý KCN, cộng đồng dân cư; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường…

Ông Trần Thanh Phong, cán bộ Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần xây dựng các tiêu chí chặt chẽ về các phân khu chức năng của sản xuất, kết cấu hạ tầng đầu tư cho bảo vệ môi trường các KCN-CCN được quy hoạch, bảo đảm ngay từ đầu nguồn vốn, nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa vào hoạt động; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, ưu tiên công nghệ mới, quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sạch trong công nghiệp…

Tin Liên Quan